Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho hay, đơn vị này vừa trình cấp có thẩm quyền đề án tái cơ cấu. Hai Cty vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn sẽ hợp nhất thành một Cty chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt. Phần còn lại sẽ chuyên về vận tải hành khách và có lộ trình thoái tỷ lệ vốn góp nhà nước.

Hình minh họa.

Theo ông Minh, thời gian qua, hai Cty vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn đều kinh doanh hai mảng vận tải hành khách và hàng hóa, cùng một sản phẩm trên một thị trường nên xảy ra cạnh tranh không lành mạnh, tăng chi phí bộ máy. Ví dụ, Cty CP Vận tải Sài Gòn bố trí người làm dịch vụ trên 50 nhà ga, Cty CP Vận tải Hà Nội cũng tương tự khiến tăng chi phí, lãng phí nhân sự. Khi sáp nhập, chỉ còn một đơn vị kinh doanh hàng hóa và một đơn vị vận tải khách nên một đơn vị bố trí nhân sự trên 50 ga đó.

Đề án tái cơ cấu cũng sắp xếp lại 5 xí nghiệp đầu máy tại các khu vực, hợp nhất thành 2 đơn vị để giảm chi phí vật tư, nhân công sửa chữa, bộ máy hành chính. Lựa chọn giải pháp hợp nhất là tối ưu để không phải bán đấu giá tài sản, không phải ký lại hợp đồng với người lao động.

Cũng theo lãnh đạo VNR, năm 2020, Covid-19 và bão lũ miền Trung đã làm sản lượng vận tải hành khách sụt giảm nghiêm trọng. Sản lượng toàn VNR chỉ đạt 6.828 tỷ đồng, bằng 79% năm 2019. Trong đó, doanh thu Cty mẹ đạt 1.713 tỷ đồng, bằng 66% năm 2019. Dự kiến công ty mẹ lỗ hơn 1.320 tỷ đồng.

Thời gian tới nếu tiếp tục lỗ nặng, trong khi không có cơ chế tháo gỡ và tái cơ cấu thì đến hết năm 2022 VNR sẽ mất toàn bộ vốn chủ sở hữu 3.250 tỷ đồng. "Thua lỗ khiến chúng tôi phải siết chặt kiểm soát chi phí, nếu không sẽ mất hết vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tiền lương công nhân sẽ giảm", ông Minh chia sẻ.

Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


    Có thể bạn quan tâm