Trung Quốc đang khẳng định lợi ích của mình ở Iran, Israel và những nơi khác ở Trung Ðông, trong khi chính quyền mới ở Mỹ gặp trắc trở ngay trong những tiếp cận đầu tiên với khu vực.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif trong lễ ký thỏa thuận ngày 28/3. Ảnh: Reuters

Ảnh hưởng của Mỹ ở các nút giao Á - Âu đang trở nên mong manh và Trung Quốc đang thể hiện rằng họ có thể làm tổn thương Mỹ để trả đũa nỗ lực xây dựng liên minh phong tỏa Bắc Kinh.

Ngày 28/3, Trung Quốc và Iran ký thỏa thuận “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” để định hình hợp tác song phương về kinh tế, chính trị và thương mại trong 25 năm tới, báo chí Iran đưa tin. “Thỏa thuận có thể nâng cấp quan hệ song phương lên mức đối tác chiến lược mới”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nói trên truyền hình. Thoả thuận, chuẩn bị từ năm 2016, ký vào thời điểm cả Iran và Trung Quốc đều đang bị Mỹ trừng phạt, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác tư nhân thông qua sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc.

Thỏa thuận là “nước cờ của Trung Quốc trên bàn cờ thế giới nhằm đáp trả việc Mỹ cản trở nỗ lực bứt phá của Trung Quốc để trở thành một siêu cường công nghệ”, nhà nghiên cứu David Goldman viết trên Asia Times. Thỏa thuận đầu tư Trung Quốc - Iran đã được nói đến từ lâu, và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến Tehran để ký thỏa thuận ngay sau cuộc gặp nảy lửa giữa hai phái đoàn ngoại giao Mỹ và Trung Quốc tại Alaska.

Các nhà phân tích Trung Quốc ca ngợi cuộc gặp ngày 13/1 giữa hai ngoại trưởng Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ là khởi đầu của hợp tác mới ở khu vực, cho rằng Iran không còn cách nào khác là phải tìm cách gia nhập nhóm của Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan. Trong những bình luận công khai, các nhà phân tích quân sự Trung Quốc nói về một thỏa thuận Thổ Nhĩ Kỳ - Iran - Pakistan dưới ảnh hưởng của Trung Quốc.

Rót tiền vào thời điểm nhạy cảm

Một mục tiêu quan trọng của Trung Quốc khi tăng cường ảnh hưởng ở khu vực này là khiến Ấn Độ phải lưỡng lự khi tham gia vào nhóm Bộ Tứ để đối phó với Bắc Kinh. Nếu Iran tham gia vào nhóm của Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan như các chiến lược gia Trung Quốc nêu ra, Ấn Độ sẽ bị cô lập. Ấn Độ đang cố gắng cải thiện quan hệ với lực lượng Shiite ở Iran để đối chọi với phe Hồi giáo Sunni ở Pakistan. Còn Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên phụ thuộc hơn vào Trung Quốc khi đồng nội tệ yếu đi và lượng dự trữ ngoại hối vơi cạn. Đầu tháng này, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan sa thải thống đốc ngân hàng trung ương, sau khi đồng lira mất khoảng 10% giá trị.

Ngày 26/3, báo chí đưa tin các ngân hàng Trung Quốc chuẩn bị cho Thổ Nhĩ Kỳ vay 2,3 tỷ USD để hoàn thành một dự án cầu và đường thu phí đang bị đình trệ ở Istanbul. Đây là cam kết tài chính lớn nhất mà Trung Quốc từng làm với Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự giúp đỡ đó diễn ra vào thời điểm nhạy cảm trong quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Biden chuyển các cuộc đàm phán hòa bình với lực lượng Taliban của Afghanistan từ thủ đô Doha của Qatar sang Ankara, với hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng vai trò hữu ích hơn. Mỹ đang chịu sức ép phải rút hết quân khỏi Afghanistan. Chính quyền Trump đã hứa sẽ ký thỏa thuận với Taliban để rút quân hoàn toàn vào tháng 5 năm nay.

Trang tin Đức Der Spiegel nói rằng Berlin đang bất bình với việc Mỹ chuyển địa điểm đối thoại sang Thổ Nhĩ Kỳ, điều mà giới chức Đức chỉ được biết thông qua báo chí, dù Đức có số quân nhiều thứ hai châu lục đang tham gia lực lượng NATO ở Afghanistan. Những hoạt động của Trung Quốc ở Trung Đông có thể gây thêm nhiều khó khăn cho nhóm của ông Biden.

Hoạt động đầu tiên của chính quyền Mỹ mới với Ấn Độ là đe dọa trừng phạt chuyện Ấn Độ ngỏ ý mua hệ thống phòng không của Nga. Đe dọa này được Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin chuyển tải trong chuyến thăm Delhi tuần trước. Các nhà phân tích cho rằng giờ là lúc Trung Quốc sẵn sàng cách chơi rắn với Mỹ.

Nguồn: Báo Tiền phong


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


    Có thể bạn quan tâm