Trong khi nhiều quốc gia châu Phi đang vật lộn vì thiếu hụt nguồn cung cấp vắc-xin COVID-19, thì những quốc gia khác lại tiêu hủy hàng nghìn mũi tiêm chưa sử dụng.

Một nhân viên y tế ở Kenya chuẩn bị tiêm vắc xin AstraZeneca cho đồng nghiệp tại Bệnh viện Quốc gia Kenyatta ở Nairobi vào ngày 5/3/2021. Kenya đã sử dụng hết hơn 90% lượng vắc xin do COVAX cung cấp.

Kenya đã trở thành quốc gia châu Phi thứ 7 bị cạn kiệt nguồn vắc-xin COVID-19 AstraZeneca do COVAX cung cấp. Trước đó, Botswana, Eswatini, Ghana, Rwanda, Togo và Senegal đều đã rơi vào tình trạng này.

Cũng ở châu Phi nhưng Nam Sudan đã công bố tiêu hủy 59.000 trên 191.000 liều vắc-xin mà quốc gia này nhận được. Số vắc-xin bị tiêu hủy là những liều đã hết hạn sử dụng. Theo chính quyền Nam Sudan, họ nhận được lô hàng 59.000 liều vắc xin này chỉ 2 tuần trước khi hết hạn, do vậy họ không thể kịp thời phân phối lượng vắc-xin này tới người dân.

Tại Malawi, 19 triệu liều vắc-xin AstraZeneca chưa được phân phối đã được thiêu hủy công khai vào ngày 19/5. Trước đó, vào tháng 4, chương trình tiêm chủng của Malawi đã bị thất bại sau khi tin tức về vắc-xin hết hạn lan truyền trên cả nước. Chính quyền nước này tin rằng việc tiêu hủy vắc-xin sẽ giúp lấy lại niềm tin của người dân vào nhà nước.

Trong khi đó, Cộng hòa Dân chủ Congo đã quyết định gửi trả lại hơn 1 triệu liều vắc-xin cũng vì nguyên do không kịp sử dụng chúng trước khi hết hạn.

Kate Ribet, Người phát ngôn của Tổ chức Y tế thế giới WHO về việc triển khai vắc-xin COVID-19 ở châu Phi, cho biết: “Congo thừa nhận họ không thể triển khai tiêm chủng hết 1,7 triệu liều vắc-xin do COVAX tài trợ trước khi hết hạn vào tháng 6. Quốc gia này đã quyết định cung cấp 1,3 triệu liều cho các quốc gia chưa nhận được vắc-xin”.

Được biết 1,3 triệu liều vắc-xin này đã được COVAX phân phối tới Angola (495.000 liều), Ghana (350.000), Cộng hòa Trung Phi (80.000), Madagascar (250.000), Togo (140.000). Hành động này của Cộng hòa Dân chủ Congo đã không làm lãng phí lượng lớn vắc-xin, đồng thời giúp đỡ được nhiều quốc gia đang vật lộn với tình trạng thiếu hụt vắc-xin.

WHO cho rằng việc tiêu hủy vắc-xin này là vô cùng đáng tiếc nhưng chính đáng để đảm bảo an toàn. Đồng thời, WHO cũng đang tiến hành nghiên cứu để tìm ra cách kéo dài thời hạn của vắc-xin AstraZeneca từ 6 tháng thành 9 tháng.

Chính phủ các quốc gia đang được kêu gọi ưu tiên các loại vắc-xin được hiến tặng theo đúng hạn sử dụng, đồng thời điều chỉnh chương trình tiêm chủng để tránh lãng phí trong tương lai.

Các quốc gia đã phải tiêu hủy vắc-xin cũng đã có kế hoạch tiêm chủng để đảm bảo miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, các quốc gia đang nhận nguồn vắc-xin từ COVAX đang gặp một vấn đề lớn, cản trở kế hoạch tiêm chủng mới của họ, đó là COVAX hiện không thể cung cấp đủ số lượng vắc-xin cần thiết.

Ấn Độ - một trung tâm sản xuất vắc-xin cho toàn thế giới, đang phải “vỡ trận” trong công cuộc phòng chống COVID-19. Vắc-xin được ưu tiên sử dụng cho người dân Ấn Độ trước khi được gửi tới các quốc gia khác. Cùng với đó, hạ tầng cơ sở y tế hạn chế và thiếu hụt kinh phí đã khiến kế hoạch triển khai vắc-xin COVID-19 bị chậm tiến độ.

Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


    Có thể bạn quan tâm