Trong khi nhiều dự án giao thông thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đầu tư theo hình thức PPP không tìm được nhà đầu tư (NĐT) thì dự án đường Vành đai 4 Hà Nội cũng theo hình thức PPP nhưng lại hút được nhiều đầu tư quan tâm mặc dù để thực hiện dự án này, ngoài vốn nhà nước, NĐT phải bỏ ra số vốn lên tới 1,3 tỷ USD.

Đường Vành đai 4 Hà Nội rất cần thiết khi đường Vành đai 3 hiện nay đã sắp quá tải.

Dự án ưu tiên

Dự án Xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô (gọi tắt là Dự án Vành đai 4 Hà Nội) đã có quy hoạch từ cách đây 10 năm, đi qua địa phận Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên. Cũng trong khoảng thời gian này, Ban quản lý dự án 2, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) là đơn vị được giao nhiệm vụ nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ dự án.

Mới đây, vào giữa tháng 7/2021, tại cuộc họp về đường cao tốc giai đoạn 2021 – 2025, Chính phủ quyết định giao dự án Vành đai 4 Hà Nội cho UBND TP Hà Nội là đơn vị chủ trì đầu tư dự án. Do đó, hiện nay Ban quản lý dự án 2 Bộ GTVT đã giao toàn bộ hồ sơ dự án (bản đồ, hướng tuyến, quy hoạch chi tiết…) của dự án cho Hà Nội.

Hiện nay, Dự án Vành đai 4 Hà Nội đang được UBND TP Hà Nội nghiên cứu phương án, tìm NĐT. Sở KH&ĐT Hà Nội trực tiếp phụ trách các nội dung này. Mới đây, trong tờ trình tổng thể được UBND TP Hà Nội báo cáo Thành ủy Hà Nội, tuyến đường Vành đai 4 có hai phương án thiết kế kỹ thuật.

Với phương án 1, gồm thiết kế tuyến đường đi bằng đường, đường Vành đai 4 được xây dựng với 6 làn xe cơ giới đô thị, trong đó 4 làn cao tốc chạy ở giữa, 2 bên là đường gom. Ngoài ra, theo phương án này, tuyến đường còn bố trí dành ra 20 m cho đường sắt đô thị đi trên cao. Theo phương án này, vốn đầu tư khoảng 105.000 tỷ đồng.

Với phương án 2, thiết kế tuyến đường đi bằng kết hợp làn cao tốc đi trên cao, đường Vành đai 4 có 6 làn đường xe cơ giới, 4 làn đường cao tốc được thiết kế đi trên cao, hệ thống đường gom và đường sắt đô thị đi như phương án 1. Với phương án 2 cần khoảng 135.000 tỷ đồng.

Thành uỷ Hà Nội mới đây đánh giá, việc sớm đầu tư tuyến đường Vành đai 4 được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên. Tuyến đường khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho thành phố, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường mà còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Nghiên cứu cơ chế đặc thù khai thác quỹ đất hai bên đường

Trong Nghị quyết 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội về chủ trương triển khai dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, ngày 20/9/2021, do Bí thư Thành ủy Hà Nội ký đã lưu ý nội dung: Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đặc thù về khai thác các quỹ đất hai bên tuyến đường cũng như các cơ chế đặc thù khác nhằm huy động các nguồn lực để thực hiện dự án…

Theo tìm hiểu, tại dự án này, NĐT thực hiện dự án PPP ngoài việc được thu phí dự án thông qua hợp đồng BOT còn được nhà nước tạo cơ chế đặc thù để khai thác, phát triển quỹ đất, hình thành các dự án bất động sản dọc tuyến đường. Đây rõ ràng là một chủ trương rất đúng đắn, hợp lý, khi vừa thu hút được nguồn vốn làm đường cho dân, vừa tạo điều kiện để DN đầu tư phát triển các dự án bất động sản. Như vậy rõ ràng cả Nhà nước, người dân, DN đều có lợi.

Theo tìm hiểu của PLVN, hiện đã có 4 DN muốn tham gia đầu tư dự án. Cụ thể, Tập đoàn T&T đề xuất đầu tư 2 đoạn, gồm đoạn từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến QL32 và từ QL32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (tổng mức đầu tư 16.200 tỷ đồng). Liên danh Công ty CP đầu tư xây dựng công trình giao thông Phương Thành – Công ty Nguyên Minh đề xuất làm đoạn từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (tổng kinh phí 9.800 tỷ đồng). Tập đoàn Hoành Sơn đề xuất xây cầu Hồng Hà (Đông Anh) và đường dẫn 2 đầu cầu, tổng kinh phí là 8.800 tỷ đồng.

NĐT đáng quan tâm hơn cả là Tập đoàn Vingroup vừa được UBND TP Hà Nội đồng ý cho lập hồ sơ nghiên cứu về dự án. Sau đó Tập đoàn này đã đề xuất chia tuyến đường làm 3 dự án thành phần.

Theo phương án của Vingroup, tổng mức đầu tư dự án được xác định sơ bộ khoảng 94.127 tỷ đồng, gồm 24.242 tỷ đồng giải phóng mặt bằng (sử dụng vốn ngân sách); khoảng 9.399 tỷ đồng làm đường đô thị, đường song hành (sử dụng ngân sách); khoảng 60.486 tỷ đồng làm phần đường cao tốc, thực hiện theo phương thức PPP với vốn nhà nước 31.386 tỷ đồng, vốn NĐT khoảng 26.056 tỷ đồng, lãi vay khoảng 2.584 tỷ đồng. Như vậy, vốn NĐT phải bỏ toàn dự án khoảng 1,3 tỷ USD.

Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình: