Ở thành phố Hội An, hầu hết từ trẻ em đến người già, ai cũng "lận lưng" được vài ba câu để giao tiếp với khách nước ngoài.

Du khách đến ngày càng nhiều, người dân Hội An cũng ý thức hơn về việc học ngoại ngữ. (Ảnh: Ngô Linh).

Muốn làm du lịch trước tiên phải biết ngoại ngữ

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, 2 năm nay Hội An vắng khách nước ngoài, tiếng bồi (các câu giao tiếp tiếng nước ngoài được người dân phiên âm ra tiếng Việt để đọc theo), người dân cũng ít có cơ hội sử dụng.

Vốn là dân đi biển, khi khách nước ngoài ghé Hội An ngày càng nhiều, ông Nguyễn Cơ (SN 1960, người có thâm niên hơn 20 năm làm nghề chèo đò sông Hoài) chuyển hẳn sang nghề chèo đò phục vụ khách du lịch trên sông Hoài.

Thời gian đầu, ngày nào ông cũng chèo đò ra rồi lại về không vì gặp khách mà không biết đường mời, có khi khách đi đò ông không biết tính tiền, khách hỏi gì cũng chỉ biết cười trừ.

Ngại quá nên ông Cơ quyết định phải học cho bằng được tiếng Anh. Nhưng từ nhỏ bám sông nước, ông có biết chữ nghĩa đâu mà vào trung tâm học ngoại ngữ. Nghe những người đồng nghiệp bảo cứ tiếp xúc nhiều, họ nói gì thì ghi nhớ rồi nói lại, học mãi thành quen, nhiều người đã thành công, nên ông Cơ cũng mạnh dạn xuống phố học ngoại ngữ.

"Không ngờ học dễ mà nhanh thật, dù không chuẩn nhưng cũng đủ cho khách hiểu. Những lúc vắng khách thì nhờ mọi người bày thêm, có khi học của hướng dẫn viên du lịch, rồi hỏi thêm mấy đứa nhỏ biết ngoại ngữ, vì tụi nó trẻ học nhanh hơn", ông Nguyễn Cơ cho hay.

Theo ông Cơ, đó là thứ tiếng "bồi" thôi chứ ông chẳng qua trường lớp nào cả. Muốn bán được hàng, mời được khách đi thuyền, mua hoa đăng… thì phải biết ít ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh.

"Muốn học nhanh thì phải tiếp xúc với khách nhiều, nghe người ta nói rồi học theo. Khách du lịch cũng sẵn lòng sửa giúp cho, bởi thông qua đó họ cũng biết chút ít tiếng Việt", ông Cơ vui vẻ nói về bí quyết học tiếng "bồi" của mình.

Cũng như ông Cơ, ông Phạm Văn Anh (SN 1965), hơn 15 năm cho thuê xe đạp tại phố cổ) cho hay, kể từ khi du khách nước ngoài đến với Hội An ngày càng nhiều, người dân cũng ý thức được việc cần thiết của ngoại ngữ.

Nhiều người làm du lịch du lịch ở Hội An xuất phát từ nông dân, ngư dân nên chữ nghĩa không nhiều, có người còn chẳng biết đọc, biết viết. Nhưng với tinh thần ham học hỏi, sẵn sàng đón nhận cái mới, và quan trọng là họ cần mưu sinh dựa vào du lịch, nên thời điểm đó ai cũng muốn học ngoại ngữ. Để học thì cần xuống phố giao tiếp với khách nước ngoài, đó là kinh nghiệm bao lâu nay người dân truyền tai nhau.

Tiếp xúc nhiều, nói nhiều và giao tiếp nhiều nên có nhiều người còn rành ngoại ngữ (mà họ thường gọi là tiếng bồi) còn hơn tiếng Việt. "Chúng tôi lớn tuổi nên chỉ học vài câu tiếng "bồi" để mời khách, đón tiếp sao cho họ hài lòng. Chứ lớp trẻ là giỏi nhất, có đứa tiếng Việt chưa sành nhưng nói tiếng Anh như "gió", giao tiếp trơn tru", ông Anh chia sẻ.

Ông Anh cũng thật thà cho biết, mọi người chủ yếu nói được thôi chứ bảo viết ra hay đọc chữ thì đành chịu. Ngôn ngữ giao tiếp của họ được trau dồi, rèn luyện qua những lần nói chuyện với khách, hoặc học hỏi bạn bè, người thân, không qua trường lớp nào cả.

Nhưng khách họ hiểu hết, họ rất thích trò chuyện cùng người bản địa, còn nhận cả con nuôi, bạn bè để dù đi xa vẫn có thể liên lạc, như có một "người thân" ở một đất nước xa xôi.

Chỉ biết "tiếng bồi" thì vẫn chưa đủ

Đó là chuyện của những người bán hàng rong, người chèo đò… Nhưng ở phố cổ cũng có những công việc đòi hỏi phải được đào tạo chuyên nghiệp, phải có nghiệp vụ, tiếng Anh giao tiếp chuẩn và biết đọc, viết để giới thiệu cho khách… Trong đó phải kể đến nghiệp đoàn xích lô Hội An, họ được nhiều du khách ưu ái gọi là "đại sứ du lịch" của phố cổ.

Hầu hết người hành nghề xích lô ở Hội An đều nói được tiếng Anh vì đã từng trải qua những lớp học ngoại ngữ. Lúc đầu, họ cũng chỉ sử dụng tiếng "bồi" như những người dân khác ở phố cổ. Dần dà, thấy được sự quan trọng trong việc giao tiếp với du khách, nghiệp đoàn xích lô Hội An đã tổ chức những lớp học tiếng Anh và nghiệp vụ hướng dẫn du lịch cho các thành viên.

Trong gia đình xích lô ở Hội An, ông Trương Hùng nổi danh vì giỏi tiếng Anh. Ông Hùng học hết THPT nên cũng có chút vốn liếng tiếng Anh kha khá. Từ kiến thức nền đó, ông đã theo đuổi các khóa học tiếng Anh tại TP Hội An và nhanh chóng trở thành "ngôi sao" trong nghiệp đoàn.

Gặp du khách Âu - Mỹ nào nói tiếng Anh với những câu chữ khó hiểu, ai cũng "chạy làng" thì mời ông Hùng đến để phiên dịch giúp. Thời gian rảnh rỗi, ông Hùng lại tụ họp đồng nghiệp đến quán cà phê ven đường để chỉ dẫn thêm kỹ năng giao tiếp tiếng Anh cho họ.

Ngoài giao tiếp được bằng tiếng Anh, những người hành nghề xích lô ở Hội An còn học hỏi thêm cách ứng xử. Với họ, mỗi du khách đến từ những vùng miền khác nhau trên thế giới đều cần có một cách ứng xử riêng mà dân xích lô phải ghi nhớ.

Từ các kinh nghiệm phục vụ du khách, những người đạp xích lô ở phố cổ chia sẻ cho nhau để hoàn thiện hơn. "Chúng tôi là những người góp phần làm nên bộ mặt của thành phố du lịch nên cần phải học hỏi nhiều thứ để ngày càng nâng cao vị thế của Hội An, đưa được những nét văn hóa tốt đẹp của phố cổ đến với bạn bè trong nước và thế giới", ông Đinh Văn Phước - Phó Chủ tịch nghiệp đoàn xích lô Hội An cho hay.

Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


    Có thể bạn quan tâm