Một chiếc đồng hồ đếm ngược vừa được lắp đặt tại dự án quan trọng nhất của ngành Điện trong năm 2022. Nó được xem như một "chuông báo" hàng ngày, thúc đẩy tiến độ của dự án này.

Đại biểu EVN chứng kiến thời khắc đầu tiên của đồng hồ đếm ngược trên công trường.

Ngày 18/3, tại Khánh Hòa, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) và Ban QLDA các công trình điện miền Trung (CPMB) khai trương đồng hồ đếm ngược thời gian đến mốc hoàn thành cụm dự án giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) BOT Vân Phong 1.

Đồng hồ đếm ngược được EVNNPT lắp đặt tại Trạm biến áp 500kV Vân Phong.

Đại diện EVNNPT cho biết, việc lắp đồng hồ đếm ngược nhằm giúp mỗi cán bộ công nhân viên tham gia xây dựng các dự án giải toả công suất NMNĐ BOT Vân Phong 1 thấy được tính cấp bách của cụm công trình này, để nỗ lực thi công hoàn thành đóng điện dự án vào ngày 25/12/2022.

Các lãnh đạo cao nhất của ngành Điện, gồm ông Cao Xuân Thành, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phát triển điện lực; ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); ông Nguyễn Đức Cường, Thành viên HĐTV EVN; ông Đỗ Đức Hùng, Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam đã cùng chứng kiến thời khắc đầu tiên của chiếc đồng hồ đếm ngược.

Tính từ 18/3, tổng thời gian còn lại để thực hiện dự án là 282 ngày.

Cụm các dự án lưới điện truyền tải giải tỏa công suất Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong gồm: Trạm biến áp 500 kV Vân Phong và đấu nối, đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân, đường dây 500kV đấu nối TBA 500kV Thuận Nam vào đường dây 500kV Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân.

Các công trình đang được EVNNPT, CPMB và các đơn vị liên quan ngày đêm bám tuyến, huy động mọi nguồn lực, quyết tâm hoàn thành vào ngày 25/12/2022.

Theo hợp đồng BOT NMNĐ Vân Phong 1 đã được ký kết, dự án đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân để giải tỏa công suất cho nhà máy phải hoàn thành trong tháng 12/2022. Nếu dự án chậm tiến độ, mỗi ngày phía Việt Nam phải bồi thường số tiền 1 triệu USD (tương đương khoảng 23 tỷ đồng).

Nếu dự án truyền tải trên chậm tiến độ 6 tháng, số tiền phía Việt Nam phải bồi thường lên tới khoảng 5.000 tỷ đồng. Nếu quá 6 tháng, hợp đồng BOT NMNĐ Vân Phong 1 sẽ bị chấm dứt sớm và Chính phủ Việt Nam phải mua lại nhà máy.

Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


    Có thể bạn quan tâm