Trao đổi với phóng viên về công tác phòng chống tội phạm dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng cho biết, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã chỉ đạo xây dựng phương án tổ chức và tăng cường lực lượng, phương tiện, duy trì kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới để ngăn chặn hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng nhập lậu vào nội địa trong dịp Tết Nguyên đán.

- Sau một thời gian im ắng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hiện tại, hoạt động buôn lậu, buôn bán, vận chuyển ma túy và vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới đang có dấu hiệu “nóng” trở lại. Đại tá có thể cho biết về hoạt động của các loại tội phạm này?

- Đối với loại tội phạm ma túy, khi tình hình dịch ít phức tạp, chính sách kiểm soát dịch của các nước đều được nới lỏng nên hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng trên cả 3 tuyến biên giới đất liền, trọng điểm vẫn là tuyến Việt Nam-Lào và Việt Nam-Campuchia.

Hoạt động của các nhóm đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy ngày càng tinh vi hơn, số lượng ngày càng nhiều. Các đối tượng móc nối, tìm nguồn cung, cầu ma túy, thiết lập các đường dây phạm tội thông qua các trang mạng xã hội, thanh toán qua tài khoản ngân hàng liên quốc gia, ký gửi hàng hóa, tạo vụ việc vô chủ, vận chuyển thông qua nhiều địa bàn để “cắt đuôi” lực lượng chức năng và hầu hết các đối tượng vận chuyển ma túy đều có vũ khí nóng để chống trả khi bị bắt giữ.

Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP Đỗ Ngọc Cảnh: Siết chặt các điểm “nóng”, ngăn chặn hàng cấm, hàng nhập lậu ảnh 1

Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh - Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP.

Cùng với đó, lợi dụng chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các đối tượng cũng tiếp tục thực hiện trở lại hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Đồng thời, cũng vào thời điểm cuối năm nên hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có chiều hướng phức tạp hơn, các loại hàng hóa cũng đa dạng như: thuốc lá, vàng, ngoại tệ, mỹ phẩm… Địa bàn trọng điểm gồm: Cao Bằng, Quảng Trị, Kon Tum, Bình Phước và các cảng biển tại TP. HCM, Hải Phòng…

- Tháng 11/2021, Bộ Quốc phòng đã ban hành Chỉ thị số 101/CT-BQP về triển khai thực hiện kế hoạch mở đợt cao điểm phòng, chống tội phạm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2022. Lực lượng BĐBP đã triển khai thực hiện đợt cao điểm này như thế nào, thưa Đại tá!

- Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) đã tham mưu cho Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) ban hành Kế hoạch số 4616 thực hiện đợt cao điểm phòng, chống tội phạm trên các tuyến biên giới. Kế hoạch xác định mục tiêu: đánh trúng, đánh đúng các đường dây tội phạm ma túy, buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép, mua bán người có tổ chức, xuyên quốc gia; tập trung các tuyến, địa bàn trọng điểm; nội dung, biện pháp và lực lượng triển khai phù hợp trên từng địa bàn, từng tuyến biên giới và từng loại tội phạm.

Thực hiện kế hoạch cao điểm của Bộ Tư lệnh BĐBP, các đơn vị BĐBP đã tập trung chỉ huy, chỉ đạo, lực lượng, biện pháp một cách toàn diện. Kết quả bắt giữ, xử lý các loại tội phạm tăng cao. Chỉ sao 20 ngày triển khai, các đơn vị BĐBP đã đấu tranh thành công 13 chuyên án (trong đó có 9 chuyên án ma túy, 2 buôn lậu, 2 xuất nhập cảnh trái phép), bắt giữ 606 vụ/1/187 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật. Riêng tội phạm ma túy, BĐBP đã bắt giữ 41 vụ/53 đối tượng, thu 203,2 kg ma túy các loại.

Điển hình là Chuyên án A721 được phá thành công ngày 28/11, tại khu vực tỉnh lộ 152B thuộc thôn Nậm Cúm, xã Mường Bo, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Cục PCMT&TP BĐBP đã chủ trì, phối hợp BĐBP Lào Cai mật phục, bắt giữ sáu đối tượng, thu giữ 100 bánh heroin, 180 nghìn viên ma túy và 1kg ma túy dạng đá...

- Đại tá có thể cho biết thành công từ các chuyên án giúp đơn vị rút ra những bài học gì?

- Tội phạm ma túy luôn thay đổi và tìm cách để thay đổi phương thức hoạt động. Các đối tượng đều vận chuyển theo một đường dây khép kín, sử dụng chủ yếu là người thân trong gia đình, thủ đoạn thay đổi hằng ngày, hằng giờ và rất nguy hiểm, có những vụ đặc biệt nguy hiểm.

Thủ đoạn của các đối tượng tội phạm tinh vi, móc nối, tìm nguồn cung, cầu ma túy, thiết lập đường dây phạm tội hoàn toàn được thực hiện thông qua mạng xã hội; thanh toán qua tài khoản ngân hàng liên quốc gia; ký gửi hàng hóa, tạo vụ việc vô chủ; vận chuyển phân đoạn qua nhiều địa bàn để “cắt đuôi” lực lượng chức năng và đặc biệt hầu hết các đối tượng vận chuyển ma túy đều có vũ khí nóng để chống trả khi bị bắt giữ…

Bài học kinh nghiệm qua những lần phá thành công các chuyên án lớn gần đây của lực lượng BĐBP, đó là công tác tổ chức, chỉ huy, phối hợp hiệp đồng, chặt chẽ giữa các lực lượng trong và ngoài lực lượng. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ với áp dụng mạnh mẽ kỹ thuật công nghệ; vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp các biện pháp với từng địa bàn, từng loại tội phạm trên tinh thần đấu tranh không khoan nhượng. Đặc biệt là bài học về phối hợp hiệp đồng giữa BĐBP với các lực lượng trong và ngoài nước.

Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP Đỗ Ngọc Cảnh: Siết chặt các điểm “nóng”, ngăn chặn hàng cấm, hàng nhập lậu ảnh 2

Mở rộng Chuyên án A721, BĐBP bắt giữ thêm 2 đối tượng vận chuyển 180 nghìn viên ma túy và 1 kg ma túy dạng đá.

Tết Nguyên đán gần đến, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BL, GLTM&HG) có chiều hướng diễn biến phức tạp trở lại trên tất cả các tuyến, địa bàn. Theo Đại tá, lực lượng BĐBP sẽ thực hiện giải pháp gì để ngăn chặn?

- Ngày 2/12/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia chống BL, GLTM&HG (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) đã ký ban hành Kế hoạch 119/KH-BCĐ389 về cao điểm chống BL, GLTM và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Theo đó, để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi BL, GLTM&HG, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia yêu cầu các cơ quan chức năng chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin, phối hợp kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý các hành vi BL, GLTM&HG ; góp phần bảo đảm bình ổn giá, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán.

Chấp hành sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành phố trong cả nước xây dựng phương án tổ chức và tăng cường lực lượng, phương tiện, duy trì kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới để ngăn chặn hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng nhập lậu vào nội địa trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Để siết chặt tình trạng buôn lậu thuốc lá, rượu ngoại, đường cát, vật tư y tế và xăng dầu, BĐBP các tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ tăng cường phối hợp với Công an, Hải quan, chính quyền địa phương... tập trung triển khai nhiều giải pháp, nhất là tại các “điểm nóng” như khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở biên giới, trên biển, đảo.

Ngoài ra, các đơn vị sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, vừa phòng chống Covid-19, vừa kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là nhóm các mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng giả, hàng kém chất lượng. Cùng với đó là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán như: thuốc lá, rượu, bia, bánh kẹo, hoa quả, thực phẩm, gia súc, gia cầm... và hàng cấm như ma túy, pháo nổ.

- Trân trọng cảm ơn Đại tá.

Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


    Có thể bạn quan tâm