Hiện tượng băng tuyết trên một số đỉnh núi tại Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng khiến nhiều người thích thú, đổ xô đến đây du lịch.

Nhiều du khách không quản giá rét đến các vùng núi “săn” tuyết.

Cơ hội hút khách “trời cho”

Nhiệt độ hạ thấp khiến một số vùng núi ở nước ta xuất hiện tuyết. Nhiều khách du lịch đã đổ về các nơi như Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai để mong được chiêm ngưỡng tuyết rơi. Tại Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), nhiệt độ chỉ khoảng -1 độ C. Băng tuyết đã phủ đỉnh núi và cành cây tạo nên cảnh tượng kỳ vỹ, thu hút nhiều khách du lịch đến thưởng ngoạn.

Tại Cao Bằng, đỉnh núi Phia Oắc có độ cao gần 1.938m so với mặt nước biển, không khí lạnh, độ ẩm cao, vì thế nơi đây thường có băng tuyết vào mùa đông. Băng tuyết xuất hiện nhiều nhất vào đầu năm 2016 khi tất cả các đỉnh núi cao đều có băng tuyết, riêng đỉnh Phia Oắc, tuyết rơi dày tới 30 - 40cm.

Gia đình anh Trường đã có mặt tại Cao Bằng từ ngày thứ 6 (18/2) để sẵn sàng "săn" tuyết. Gia đình nhỏ này thường xuyên đi cắm trại khắp nơi nên trên chiếc xe ô tô - "ngôi nhà di động", anh chị chuẩn bị rất kĩ các đồ dùng: Lều trại, giường nệm, bếp, bàn ăn,... Khi hay tin có tuyết tại Phia Oắc, anh Trường lái xe từ trung tâm thành phố Cao Bằng lên đây từ 4h sáng. Gia đình anh là một trong những du khách đầu tiên có mặt ở đây. Khi đó, nhiệt độ ngoài trời khoảng -6 độ C.

"Cả nhà chúng tôi ăn sáng nấu mì, luộc trứng, uống trà ngay dưới những tán cây phủ băng tuyết. Một trải nghiệm thú vị", anh chia sẻ.

Tương tự như tại Phia Oắc, đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) cũng đang là địa điểm thu hút rất đông du khách. Ông Nguyễn Minh Chuyển, trưởng phòng Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Mẫu Sơn cho biết từ thứ 6 (18/2), nhiều du khách tới Mẫu Sơn để đợi tuyết khi có dự báo nhiệt độ xuống thấp. Lượng khách tính đến trưa hôm nay khoảng 2.300 lượt, tăng gấp 1,5 lần so với tuần trước.

Hà Thị Phương (Việt Trì, Phú Thọ) khi biết có băng tuyết ở Mẫu Sơn đã cùng bạn bè tới đây. Đến trưa, đoạn đường gần đỉnh ùn tắc do nhiều phương tiện đổ về, dòng người di chuyển chậm chạp vì đường trơn. Ở đỉnh núi băng phủ trắng cây cỏ, sương mù dày đặc. Chị Phương cho biết dù lạnh cóng song rất thích vì đây là lần đầu thấy hiện tượng này.

Tại Sa Pa, hiện tượng xuất hiện băng tuyết thu hút rất nhiều người dân từ thành phố lên chụp ảnh. Theo dự báo, với điều kiện thời tiết như hiện nay, rất có thể băng giá còn xuất hiện trong những ngày tới. Do vậy từ trưa 20/2, khu vực check-in của nóc nhà Đông Dương chật kín người. Đại diện khu du lịch Sun World Fansipan Legend cho biết dù rét đậm, có mưa, lượng khách xấp xỉ cuối tuần trước. Tới nay đỉnh Fansipan chưa có băng, song nhiều du khách thích thú và ngóng chờ tuyết rơi.

Cùng với đó, các dịch vụ du lịch cũng “đắt khách” hơn. Dịch vụ xe điện ghi nhận lượng khách sử dụng cao nhằm đưa đón du khách tới các địa điểm vui chơi, ăn uống. Đây là phương tiện di chuyển khá phổ biến thời gian gần đây tại Sapa. Với chỉ 10.000 đồng/người, du khách được đưa đón nhanh chóng trong phạm vi 1km quanh trung tâm thị xã, đặc biệt tránh được mưa ướt trong thời điểm này.

Với nhiều du khách và các nhiếp ảnh gia, đây là thời điểm hiếm có trong năm để ra Bắc "săn" tuyết và chiêm ngưỡng hình ảnh tuyệt đẹp về hoa đào, hoa mận nở trong băng.

Cẩn thận với thông tin thất thiệt

Việc nhiều người chia sẻ hình ảnh check-in tại vùng núi cao trong thời tiết băng tuyết đã khiến cộng đồng thích thú và nóng lòng đổ xô về điểm núi cao ngắm tuyết. Tuy nhiên, nhiều hình ảnh này được tung lên với mục đích câu khách, câu view mà thực chất không hề có tuyết.

Hồi tháng 12, nhiều khách du lịch đã đổ về Sa Pa mong được chiêm ngưỡng tuyết rơi vì một số hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội. Khi nhiều du khách không quản đường xa, vượt hàng trăm cây số trong thời tiết rét buốt đến tham quan thì "ngã ngửa" phát hiện đây chỉ là "cú lừa", không hề có tuyết phủ trắng như những review và hình ảnh trên mạng. Thực chất những hình ảnh này được một số đơn vị tung ra với mục đích truyền thông câu kéo khách du lịch.

Mới đây nhất, hình ảnh cô gái với mái tóc đóng băng ở Sa Pa cũng được xác thực là không chính xác. Thực chất, cô gái này là người Trung Quốc và hình này được cắt ra từ đoạn clip xuất hiện từ lâu.

Dù với mục đích thu hút khách du lịch nhưng việc truyền thông lợi dụng cơ hội để quảng cáo hình ảnh sai sự thật đã làm giảm cảm xúc trải nghiệm của khách hàng với điểm đến. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh, uy tín ngành du lịch của địa phương.

Thời tiết rét buốt khiến cho việc sinh hoạt, di chuyển của người dân bản địa gặp rất nhiều khó khăn. Việc du khách đổ về điểm núi cao chiêm ngưỡng tuyết rơi mà bỏ qua cuộc sống khó khăn vì thời tiết lạnh giá cũng đã gây nhiều tranh cãi. Cảnh khách du lịch che ô, mặc áo ấm trái ngược với hình ảnh đầu trần, chân đất dầm mưa của người dân bản địa khiến không ít người chạnh lòng.

Không những vậy, do thời tiết chuyển xấu, đường trơn trượt, sương mù dày đặc, để đảm bảo an toàn giao thông và tránh những tai nạn giao thông đáng tiếc, Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an cũng đã phải ra khuyến cáo du khách đi ngắm băng tuyết cần hết sức cẩn thận thời tiết xấu.

Dù thời tiết băng giá hiếm khi xảy ra ở nước ta, là cơ hội để các gia đình có thể du lịch chiêm ngưỡng cảnh tuyết rơi nhưng khách du lịch cần tìm hiểu thông tin rõ ràng, tránh việc thực tế khác xa hình ảnh truyền thông, gây ảnh hưởng đến uy tín du lịch vùng.

Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


    Có thể bạn quan tâm