Điều khiến ngôi nhà này trở nên đặc biệt là những bức tường bê tông có khả năng giảm khí thải carbon và làm sạch không khí.

Ngôi nhà được xây dựng bằng bê tông hút CO2 - Ảnh: Interesting Engineering

Tại thị trấn xinh đẹp Karuizawa, Nhật Bản, có một ngôi nhà đặc biệt đang thu hút sự chú ý vì vật liệu xây dựng độc đáo. Ngôi nhà được thiết kế bởi một công ty thiết kế ở xứ sở mặt trời mọc tên Nendo.

CO2-SUICOM, một loại bê tông đặc biệt được tạo ra bằng cách sử dụng thức ăn thừa từ các ngành công nghiệp và vật liệu, có thể hút CO2 từ không khí. Sản phẩm hợp tác giữa các công ty Kajima, Chugoku Electric Power Co., Denka và Landes Co.

Không chỉ dừng lại ở việc sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường cho ngôi nhà, Nendo còn khiến những bức tường bê tông hoạt động như một bộ lọc, có thể giúp làm sạch không khí bằng cách hấp thụ CO2.

Nằm ở Karuizawa, địa danh gần thành phố Nagano, nổi tiếng với những ngọn núi và thời tiết dễ chịu, ngôi nhà này là một ví dụ tuyệt vời về cách con người có thể xây dựng những công trình vừa hiện đại vừa thân thiện với môi trường.

Loại bê tông mới là một bước tiến tới giải quyết tình trạng ô nhiễm do sản xuất xi măng và bê tông gây ra.

Trên khắp thế giới, sản xuất xi măng và bê tông chịu trách nhiệm cho khoảng 8% tổng lượng khí thải carbon. 

Tại Nhật Bản, chỉ riêng việc sản xuất xi măng đã làm tăng thêm khoảng 1,2% tổng lượng ô nhiễm carbon của cả nước.

Với khái niệm về công nghệ tái chế carbon, Nhật Bản xem CO₂ như là nguồn tài nguyên carbon và thúc đẩy việc thu giữ, tái chế. 

CO₂ được tái chế thành bê tông thông qua quá trình khoáng hóa, thành hóa chất thông qua quang hợp nhân tạo và quá trình metan hóa để giảm lượng khí thải CO₂ vào khí quyển.

Chính phủ Nhật Bản đã ban hành lộ trình triển khai các công nghệ tái chế carbon vào tháng 6-2019, đề cập tới những mục tiêu cụ thể, thách thức công nghệ và khung thời gian thực hiện

Lộ trình này sau đó được sửa đổi, bổ sung vào tháng 7-2021 cho phù hợp với "Chiến lược tăng trưởng xanh tiến tới trung hòa carbon vào năm 2050" được Bộ Kinh tế, Công nghiệp Nhật Bản (METI) ban hành vào tháng 6-2021.

Chiến lược tăng trưởng xanh tiến tới trung hòa carbon vào năm 2050 của Nhật Bản bao gồm 14 lĩnh vực tiềm năng cần phát triển mạnh để hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon.

Chiến lược cũng đưa ra các công cụ chính sách để hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon, như cấp ngân sách, miễn giảm thuế, huy động tài chính, hợp tác quốc tế.

Cụ thể, Chính phủ Nhật Bản dành 2.000 tỉ yen (khoảng 15 tỉ USD) tiền ngân sách thông qua Quỹ đổi mới xanh để hỗ trợ các dự án công nghệ có phát thải thấp, hoặc không phát thải carbon trong vòng 10 năm.

Nguồn: Báo tuổi trẻ


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


    Có thể bạn quan tâm