ThS. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, "không nên lạm dụng thuốc để tự chữa cho bệnh nhân F0, những loại thuốc lan truyền trên mạng không có tác dụng gì, chỉ có triệu chứng nào thì chữa triệu chứng đó”.

ThS. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Gần đây số trường hợp mắc, kể cả số trường hợp tăng nặng và nguy kịch có xu hướng gia tăng trên cả nước. Hà Nội vẫn ghi nhận hàng ngàn ca bệnh mỗi ngày, nhưng nhiều người lại tự điều trị F0 tại nhà theo cách của riêng mình, không tham vấn ý kiến bác sĩ, thậm trí tự mua thuốc uống vô tội vạ.

“Thấy mọi người bảo tốt nên dùng”

Thấy đau rát họng, chảy nước mũi, hơi nhức đầu, anh N.V.H ở Hà Đông (Hà Nội) test nhanh 2 lần và đều lên 2 vạch, sau đó có xét nghiệm PCR và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Anh H được y tế phường hướng dẫn và chăm sóc tại nhà. Biết H là F0, nhiều người thân quen đã gửi rất nhiều loại thuốc và khuyên anh sử dụng, trong đó có cả thuốc Molnupiravir, cả thuốc đông y của Trung Quốc. Người thì khuyên uống thuốc này để đỡ nhiễm khuẩn, người thì khuyên uống thuốc kia để đỡ xẹp phổi, đỡ tái nhiễm lần sau...

“Không uống thì sợ mọi người buồn, mà uống thì không biết sẽ ra sao, tôi uống mấy loại đủ 5 ngày, sau 5 ngày test lại vẫn 2 vạch”, anh H kể.

Điều đáng nói là anh H tự ý dùng mà không tham vấn ý kiến của bác sĩ điều trị.

Tương tự, anh N.T.K sống tại Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa) có vợ mắc F0 chia sẻ: "Vợ tôi mới phát hiện F0 được 2 ngày, gia đình đáp ứng điều kiện cách ly và điều trị cho vợ tôi tại nhà, do đó vợ tôi được hướng dẫn điều trị tại nhà, 2 ngày nay vợ chồng tôi cũng lo lắng và cũng hỏi mua nhiều loại thuốc, chúng tôi lựa chọn cả Molnupiravir sản xuất tại Ấn Độ, liên hoa của Trung Quốc".

Anh K cho biết thêm, hiện tại mới uống 1 loại "thuốc" đông y "vì thấy mọi người nói tốt và không ảnh hưởng đến sức khoẻ".

Cả gia đình anh N.M.H sống tại Mỹ Đình mới mắc COVID-19. Rất lo lắng vì trong nhà có 2 trẻ em và bố mẹ già, anh H hỏi bạn bè và mua thuốc Molnupiravir về cho bố mẹ uống.

“Có bệnh vái tứ phương', bây giờ nghe ai giới thiệu tốt thì mình mua về thôi, chứ cũng không hỏi ý kiến bác sĩ, chưa biết tác dụng hay tác hại thực tế sẽ thế nào”, anh H nói.

Những loại thuốc lan truyền trên mạng không có tác dụng 

Theo ThS. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, “không nên lạm dụng thuốc điều trị F0, dùng vô tội vạ, những thứ thuốc mà được cho hay tặng, mua theo phong trào trên mạng thì nên cho vào túi nilon vứt hết vào sọt rác”.

Vị chuyên gia đầu ngành điều trị F0 tại Việt Nam cho rằng, khi mắc COVID-19 ở thể nhẹ, thì chỉ cần bổ sung nước điện giải như Oresol, tăng cường uống vitamin C, bổ sung ăn đủ dinh dưỡng, còn khi bị nặng thì cần đến bệnh viện điều trị.

Chuyên gia đầu ngành: 'Thuốc' điều trị F0 được cho hay mua trên mạng nên vứt hết vào sọt rác' ảnh 1

Theo chuyên gia, các loại thuốc lan tràn trên mạng không có tác dụng.

Bác sĩ Cấp nhấn mạnh, một trong những biểu hiện nặng của bệnh nhân F0 đó là khi SpO2 chỉ số oxy dưới 93% phải đến viện, bao gồm cả trẻ em. Đối với trẻ em, nếu vẫn ăn uống, vui chơi bình thường thì theo dõi tại nhà. Khi các cháu bỏ ăn, mệt mỏi, không vui chơi thì phải đưa đến viện ngay. "Những loại thuốc lan truyền trên mạng không có tác dụng gì, chỉ có triệu chứng nào thì chữa triệu chứng đó", ông nói.

Liên quan đến vấn đề cho rằng các bệnh nhân F0 được điều trị tại nhà sau khi khỏi, không đi khám lại có thể dẫn đến xẹp phổi, vị chuyên gia giải thích, nguyên nhân thứ nhất có thể tình huống này là trước đó phải thở máy nên phổi đã tổn thương nặng; thứ 2, có những người tổn thương phổi rất nặng do thiếu oxy mà không phát hiện ra, sau đó dễ dàng xơ phổi và xẹp phổi.

"Nhưng với người bình thường thì tình trạng đó xảy ra cực kỳ hiếm, xảy ra là phải có biện pháp ngăn chặn sớm", Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhấn mạnh, đồng thời lưu ý thêm: “Có người hỏi đi xét nghiệm đông máu cho những người đang mắc COVID-19 điều trị tại nhà, có nên không? Tôi trả lời rằng, việc đó phải là bác sĩ đánh giá mới được. Việc nào cần phải đến bệnh viện thì không thể tự làm ở nhà được”.

Chuyên gia điều trị F0 lần nữa khuyến cáo, việc sử dụng các thuốc kháng virus không rõ nguồn gốc để điều trị COVID-19 tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tiền mất, tật mang, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người dùng. Người dân không tự ý tìm mua các loại thuốc về dùng khi không có chỉ định của bác sĩ.

Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


    Tin liên quan
    Có thể bạn quan tâm